Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

BÀN VỀ VẤN ĐỀ VỊ THẾ XÃ HỘI

TÁC GIẢ: PHẠM MINH TRÍ(CN KHOA HỌC CHÍNH TRỊ)



                Theo quan niệm của nhà xã hội học người Mỹ Robertsons, vị thế là một vị trí xã hội. Mỗi vị thế quyết định chỗ đứng của một cá nhân nào đó trong xã hội và mối quan hệ của cá nhân đó với những người khác. Đó là chỗ đứng của cá nhân đó trong bậc thang xã hội, là sự đánh giá của cộng đồng xã hội đối với cá nhân biểu thị sự kính nể, trọng thị của cộng đồng đối với cá nhân do thâm niên nghề nghiệp, tài năng, đức độ, tuổi tác tạo nên. Một cá nhân có thể có nhiều vị thế xã hội tuỳ theo cá nhân đó tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức xã hội khác nhau. 

Theo J.H. Fischer, vị thế là vị trí của một người trong cơ cấu tổ chức xã hội theo sự thẩm định, đánh giá của xã hội. Vị thế xã hội là vị trí (địa vị) hay thứ bậc mà những người đang sống chung với một người nào đó dành cho anh ta một cách khách quan.
 Như vậy, vị thế là một vị trí xã hội của một người hay một nhóm người trong kết cấu xã hội, được sắp xếp, thẩm định hay đánh giá của xã hội nơi họ đang sinh sống. Nói đến vị thế là nói đến thứ bậc cao thấp. Theo quan niệm xã hội học thì vị thế xã hội có thể chia thành hai loại: vị thế tự nhiên là vị thế mà con người được gắn bởi những thiên chức, những đặc điểm cơ bản mà họ không thể tự kiểm soát được như trẻ hay già, nam hay nữ…Vị thế xã hội là vị thế phụ thuộc vào những đặc điểm mà trong một chừng mực nhất định cá nhân có thể kiểm soát được, nó phụ thuộc vào sự nỗ lực phấn đấu và nghị lực của bản thân như anh có thể trở thành kỹ sư hay bác sĩ hay giám đốc… 
Kết quả hình ảnh cho Roland Robertson
ROLAND  Robertsons: nhà xã hội học người Mỹ với lý thuyết vị thế xã hội. ảnh minh họa
Các yếu tố ảnh hưởng đến vị thế xã hội: 
- Nguồn gốc xã hội (dòng dõi): là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên vị thế con người. Nó bao gồm nhiều yếu tố như: nguồn gốc giai tầng xã hội, chủng tộc, dân tộc, sắc tộc…
 -  Sự giàu có (hay của cải, thu nhập): sự giàu có dưới nhiều hình thức khác nhau cũng tham gia vào việc cấu thành nên vị thế xã hội của một cá nhân. 
- Nghề nghiệp: những nghề nghiệp khác nhau có ý nghĩa khác nhau trong việc cấu thành nên vị thế của cá nhân. Tuy nhiên tác động của nghề nghiệp đối với vị thế sẽ thay đổi theo thời gian, tuỳ theo ý nghĩa, lợi ích của nghề nghiệp mang lại. 
-  Trình độ học vấn: người có trình độ học vấn càng cao thì vị thế xã hội càng cao. Nhiều khi, nơi được đào tạo cũng tham gia vào việc cấu thành vị thế của cá nhân. Ví dụ một sinh viên tốt nghiệp Đại học ở nước ngoài thường dễ xin việc hơn và dễ được bố trí vào vị trí cao. 
-  Những đặc điểm về sinh lý, giới tính: cũng là những nhân tố quan trọng đóng góp vào việc xác định vị thế của cá nhân. 
+ Các đặc điểm cụ thể như:  
- Giới tính: trong các xã hội truyền thống, các quốc gia Hồi giáo, thậm chí ở một số xã hội hiện đại, nam giới vẫn thường được xem trọng, đề cao hơn nữ giới. 
- Lứa tuổi: người già thường có vị thế cao hơn và thường được kính trọng hơn so với những người ít tuổi. 
- Thể chất: những người có thể chất khoẻ mạnh và cơ thể xinh đẹp, hài hoà thường dễ chiếm được vị thế quan trọng trong xã hội. 
- Bên cạnh đó còn có một số các yếu tố khác như: trí thông minh, sự táo bạo, gan dạ, ý chí dám mạo hiểm, dám nghĩ, dám làm, khả năng tế nhị trong giao tiếp, ý chí biết kiềm chế những thoả mãn nhất thời, địa vị người bạn đời….cũng góp phần tạo nên vị thế của một cá nhân. Những yếu tố cấu thành vị thế nói trên không đứng riêng lẻ, tách bạch với nhau mà được phối hợp, sắp xếp theo những cách khác nhau. Tuỳ theo từng người, từng thời gian, hoàn cảnh, điều kiện, từng quốc gia mà sự ảnh hưởng đến vị thế của các yếu tố trên sẽ khác nhau. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét