Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

TỪ CHIMERIA ĐẾN CANH TRANH CHIẾN LƯỢC TRONG QUAN HỆ MỸ-TRUNG

TÁC GIẢ: PHẠM MINH TRÍ(CN KHOA HỌC CHÍNH TRỊ)
NGUỒN:  SÁCH QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ KHU VỰC CHÂU Á- THÁI BÌNH DƯƠNG, PGS. NGUYỄN TRƯỜNG. 
                PHÂN TÍCH DƯỚI GÓC NHÌN LÝ THUYẾT KHOA HỌC CHÍNH TRỊ


Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến cho kỷ nguyên Chimeria đi đến hồi kết. Bừng tỉnh trước tình trạng dễ bị tổn thương ở cả hai bên bởi những thất bại mang tính hệ thống gây ra cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh và Washington tuyên bố sẽ tái cân bằng mối quan hệ kinh tế của họ, một mối quan hệ mà cả hai đều cảm thấy đã yếu đi nhiều. Nhưng khi tái thiết các chính sách trong và ngoài nước của họ để thích ứng với nền kinh tế toàn cầu đã bất ngờ trở nên mong manh, cả hai bắt đầu bắt chước lẫn nhau bằng những cách thức thúc đẩy nhiều cạnh tranh hơn là bổ trợ lẫn nhau. 

Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đang thoát khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào xuất khẩu, cố gắng kích thích tiêu dùng nội địa và phát triển một nền kinh tế dịch vụ trong nước. Trong khi đó, Mỹ lại đẩy mạnh khu vực sản xuất của nước này, một phần làm cho đồng đô la rẻ hơn bằng cách nới lỏng về khối lượng và trợ cấp cho ngành công nghiệp ô tô, khuyến khích tăng trưởng dựa vào xuất khẩu thông qua một loạt các giao dịch thương mại mới với các quốc gia giàu có, bao gồm cả Nhật Bản và các nước EU. Những nỗ lực làm tăng chuỗi giá trị của Trung Quốc và những cố gắng của Mỹ nhằm tái công nghiệp hóa sẽ dẫn đến cạnh tranh trực tiếp hơn giữa hai nước, khi mỗi bước đi của nước này lại tiến đến gần hơn mô hình sản xuất và tiêu thụ truyền thống của nước kia. Ví dụ, Trung Quốc không còn muốn cung cấp linh kiện giá rẻ bên trong chiếc điện thoại iPhone chỉ để nhìn thấy lợi nhuận lớn nhất thuộc về một công ty của Mỹ. 

Hình ảnh có liên quan
ẢNH MINH HỌA
Thay vào đó, Trung Quốc đang khuyến khích các công ty nội địa học tập Huawei, công ty có trụ sở tại Quảng Đông đã cực kỳ thành công trong việc bán những điện thoại thông minh bắt chước iPhone, nhưng lợi nhuận lại thuộc về Trung Quốc. Tuy nhiên, chính những mối quan hệ tương ứng của họ với phần còn lại của thế giới khiến cho hai nước lại tương đồng một cách đáng chú ý nhất – trong một vài trường hợp gần như là hoán đổi vai trò truyền thống của họ. Trung Quốc đang nỗ lực để quản lý tầm ảnh hưởng toàn cầu đang mở rộng của nước này. Giới tinh hoa phụ trách chính sách đối ngoại đang cân nhắc lại một cách toàn diện các chiến lược của Trung Quốc, đặt ra câu hỏi về mọi vật linh thiêng đã bị hi sinh cho cách tiếp cận giá rẻ trong thời kỳ của Đặng Tiểu Bình, bao gồm sự ác cảm truyền thống của đất nước về vấn đề can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. 

Tiến trình này bị đẩy mạnh bởi cuộc chiến do NATO dẫn đầu năm 2011 để lật đổ nhà lãnh đạo Libya, ông Muammar al-Qaddafi, vì Trung Quốc rất ngạc nhiên khi thấy rằng nhiều nước đang phát triển ủng hộ sự can thiệp quốc tế. Áp lực đòi hỏi một chính sách ngoại giao Trung Quốc ít thụ động hơn đến từ các công ty Trung Quốc đang cần sự bảo vệ trong những thị trường nguy hiểm ở nước ngoài; hoặc từ một nhóm nhỏ gồm các cán bộ theo đuổi chủ nghĩa toàn cầu khẳng định rằng trong một thế giới mà Trung Quốc phải đối mặt với nhiều điểm nóng, Bắc Kinh phải từ bỏ sự lưỡng lự của nước này để hành xử ở tầm quốc tế; hoặc các nhà hoạch định chính sách cũng như các quan chức quân sự hiếu chiến của Trung Quốc cho rằng Trung Quốc cần phải quyết đoán hơn nữa trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài. Ngay cả khi những lập luận này chiếm ưu thế, Trung Quốc vẫn sẽ không sớm triển khai hoạt động can thiệp nhân đạo theo phong cách của Mỹ vào bất cứ lúc nào, nhưng những nhà hoạch định chính sách ngoại giao của họ có khả năng sẽ bớt câu nệ hơn về vấn đề can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. 

Theo ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Giám đốc Viện quan hệ Quốc tế Hiện đại tại Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) và là một kẻ hiếu chiến có tầm ảnh hưởng, nói với tôi rằng, “Khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh như Mỹ, chúng tôi cũng sẽ có cách tiếp cận về chủ quyền tương tự như Mỹ”. Khi liên quan đến tình hình chính trị trong khu vực, những kẻ hiếu chiến như ông Diêm đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu có nên luôn luôn ưu tiên cho các lợi ích kinh tế của Trung Quốc so với các mục tiêu chính trị. Sự thay đổi này có thể giải thích việc chính phủ quyết định tạm thời ngăn chặn xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010, và quyết định hạn chế nhập khẩu trái cây từ Philippines hai năm sau đó trong thời gian xảy ra các cuộc tranh cãi giữa hai nước về các đảo ở Biển Đông. 

Những động thái này đi kèm với sự dung túng cho các cuộc biểu tình bạo lực đôi khi đã xảy ra, được tổ chức bởi những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa nhằm chống lại các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, ngay cả khi cuộc biến loạn đã khiến cho một vài công ty trong số đó đã phải di chuyển sang Việt Nam. Còn có một sự thay đổi ấn tượng hơn, khi các học giả Trung Quốc cũng tranh luận rằng liệu quốc gia của họ có nên suy nghĩ lại về việc không chấp thuận các liên minh thường trực. Năm ngoái, ông Diêm và những kẻ hiếu chiến khác đã công khai đề xuất rằng Trung Quốc nên phát triển các liên minh với hàng chục quốc gia, bao gồm các nước cộng hòa Trung Á, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Nga, và Sri Lanka, cung cấp cho họ một sự bảo đảm an ninh, còn đối với các nước nhỏ hơn trong danh sách đó, có lẽ thậm chí cả sự bảo vệ dưới chiếc ô hạt nhân của Trung Quốc. Những động thái như vậy khó có thể là những điều mà Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Robert Zoellick, đã nghĩ đến vào năm 2005 khi ông ta kêu gọi Trung Quốc trở thành một "thành viên có trách nhiệm" trong trật tự toàn cầu.
Hình ảnh có liên quan
QUẢNG ĐÔNG. TRUNG QUỐC .ảnh minh họa

 Ủng hộ cho cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc đang gia tăng ở tầm quốc tế là sự phát triển của một hệ thống chính trị trong nước đang ngày càng thu hút, nơi mà các bè phái khác nhau đấu đá lẫn nhau, cũng là nơi Internet và đặc biệt là truyền thông xã hội đã tạo ra một không gian công cộng sống động hơn rất nhiều. Trong quá khứ, những nhà hoạch định chính sách phương Tây thường cáo buộc Trung Quốc đã châm ngòi cho sự phẫn nộ quốc gia, để sau đó tuyên bố bị nó ràng buộc. Nhưng ngày nay, tiếng trống của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa dường như là xác thực thay vì bị thêu dệt. Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà phân tích phương Tây cho rằng Đảng Cộng Sản là xấu, còn xã hội dân sự là tốt. Nhưng ngày nay thì Đảng Cộng sản Trung Quốc có xu hướng kêu gọi kiềm chế đối với nước ngoài, trong khi thường dân Trung Quốc kêu gọi một đường lối cứng rắn hơn. Khi Trung Quốc xem xét làm thế nào để mở rộng tầm ảnh hưởng và các cam kết quốc tế của họ, Hoa Kỳ lại cố gắng dung hòa mong muốn duy trì địa vị đứng đầu quốc tế với sự mệt mỏi vì chiến tranh của người dân và với những rủi ro của khoản nợ quốc gia.

 Ông Obama đã tìm cách phát triển một mô hình lãnh đạo chi phí thấp: một điều gì đó như là phiên bản Mỹ về cách tiếp cận của Đặng Tiểu Bình, chỉ khác là Đặng Tiểu Bình thì cố gắng che giấu sự giàu có đang ngày càng tăng lên của Trung Quốc, trong khi ông Obama lại cố gắng che giấu sự giảm sút đang ngày càng tăng lên trong các nguồn lực của Mỹ. Trong thực tế, phương pháp này có nghĩa là trừng phạt các đối thủ như Iran và Bắc Triều Tiên bằng lệnh trừng phạt kinh tế, nhắm bắn mục tiêu khủng bố bằng máy bay không người lái, tránh các can thiệp đơn phương vào nước ngoài để thiên về "sự lãnh đạo từ phía sau," và thiết lập các mối quan hệ thực dụng với các quốc gia hùng mạnh như Nga. Từ quan điểm của Trung Quốc, dấu hiệu đáng lo ngại nhất là "sự xoay trục" hướng về châu Á dường như bao gồm việc bắt chước phương thức ngoại giao đa phương và chiến lược thương mại của Bắc Kinh. Thật vậy, theo lời một chiến lược gia Lầu Năm Góc nói với tôi gần đây, "Thay vì chơi cờ vua, chúng ta đang chơi cờ vây", trò chơi cờ thời cổ đại Trung Quốc.

 Nhưng ngay cả khi Trung Quốc và Hoa Kỳ phát triển những cách thức khác nhau để làm gia tăng ảnh hưởng của họ, mỗi nước vẫn đang giữ vững hình thức chủ nghĩa cá biệt của riêng họ. Mỗi nước đều tin rằng họ nên được miễn trừ một vài điều khoản trong luật pháp quốc tế và chỉ họ có sứ mệnh thống trị khu vực châu Á. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn cho hai quốc gia để điều chỉnh lại niềm tin này bằng ý thức rằng trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, điều đó có nghĩa là cả hai lâm vào tình trạng bất lợi. Người Mỹ phàn nàn về nạn thất nghiệp, còn người Trung Quốc thì phàn nàn về việc mất đi những khoản tiết kiệm mà họ rất vất vả mới kiếm được. Washington thì phàn nàn rằng Bắc Kinh chơi không đúng luật, còn Bắc Kinh phản đối rằng các quy tắc đó là do phương Tây phát minh để hạ thấp các nước khác. Khi căng thẳng dâng lên, nhiều khía cạnh trong mối quan hệ Mỹ - Trung một thời được cả hai nhìn nhận như những cơ hội, giờ trông ngày càng giống những mối đe dọa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét