Tác Giả: PGS.TS TRẦN KHẮC VIỆT ( trong Tạp Chí Lý Luận Chính Trị)
Người soạn lại và trả lời: PHẠM MINH TRÍ (CN Khoa Học Chính Trị)
Trong các tác phẩm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn kiện của Đảng ta đều có sử dụng các khái niệm Đảng (cộng sản) lãnh đạo và Đảng (cộng sản) cầm quyền. Vấn đề đặt ra là, Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm khác nhau hay có nội hàm giống nhau, có thể dùng lẫn cho nhau? Sự khác biệt quan niệm, ý kiến về hai khái niệm này bộc lộ rõ khi xem xét cụ thể hoạt động của Đảng khi đã có chính quyền, lãnh đạo đất nước xây dựng CNXH, xét cả về nội dung hoạt động và phương thức hoạt động của Đảng.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm cơ bản giống nhau, có nội hàm đồng nhất, trong điều kiện Đảng có chính quyền có thể dùng lẫn cho nhau, chỉ có hai sự khác biệt nhỏ: một là, khái niệm Đảng lãnh đạo là nói chung cho cả thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền và thời kỳ nhân dân đã giành được chính quyền, Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, còn khái niệm Đảng cầm quyền chỉ nói về hoạt động lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đã có chính quyền; hai là, khái niệm Đảng cầm quyền nhấn mạnh, trong hoạt động lãnh đạo nói chung đối với các tổ chức của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội khác thì hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là chủ yếu. Theo quan niệm này, khái niệm Đảng cầm quyền cốt để nhấn mạnh đặc điểm và trọng tâm lãnh đạo của Đảng khi đã có chính quyền.
ẢNH MINH HỌA |
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền là hai khái niệm khác nhau. Khái niệm Đảng lãnh đạo là nói về quan hệ của Đảng đối với Nhà nước và xã hội - đó là hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Về ngữ pháp, trong tập hợp từ “Đảng lãnh đạo”, Đảng là danh từ chủ ngữ và lãnh đạo là động từ (vị ngữ). Trong khi đó, Đảng cầm quyền là khái niệm để định vị, định tính Đảng - Đảng là Đảng cầm quyền. Ở các nước có nhiều đảng chính trị, đảng nào giành được đa số ghế trong nghị viện là đảng cầm quyền; các đảng chỉ giành được một số ghế nhất định trong nghị viện, phải liên minh với đảng khác thành liên minh cầm quyền là đảng chấp chính; đảng chỉ giành được một số ghế ít ỏi trong nghị viện là đảng tham chính; các đảng còn lại là đảng đối lập. Đảng cầm quyền còn chỉ giai đoạn Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền. Tức là, về ngữ pháp, “Đảng cầm quyền” là một tổ từ, trong đó Đảng là danh từ và cầm quyền là tính từ giải thích cho từ Đảng (tiếng Nga viết là пpавящая паpтия;tiếng Anh viết là the ruling party hoặc the party in power). Theo đó, không nên hiểu “Đảng cầm quyền” là một câu, trong đó “Đảng” là danh từ chủ ngữ, “cầm” là động từ vị ngữ và “quyền” là danh từ bổ ngữ.
Chữ “quyền” trong khái niệm Đảng cầm quyền cũng được giải nghĩa khác nhau. Cách giải nghĩa thứ nhất: “quyền” là chính quyền, là Nhà nước. Cách giải nghĩa thứ hai: “quyền” là quyền lực, ở đây là quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng cầm quyền không chỉ có quyền lãnh đạo Nhà nước, mà có cả quyền lãnh đạo tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và cả xã hội; Đảng có quyền lãnh đạo tất cả các lĩnh vực của đời sống
xã hội.
xã hội.
Trước hết, không nên chiết trung rằng cả hai cách hiểu, hai loại ý kiến nêu trên đều đúng. Tán thành cả hai cách hiểu như trên sẽ dẫn đến sự lẫn lộn giữa các khái niệm, giữa các cách hiểu, cách giải thích khái niệm. Lẫn lộn trong quan niệm sẽ dẫn đến những lầm lẫn trong hoạt động thực tiễn của Đảng: do cho rằng dùng khái niệm nào cũng được, nên chỉ dùng khái niệm Đảng cầm quyền thay cho khái niệm Đảng lãnh đạo, nhất lại là hiểu Đảng cầm quyền tức là Đảng cầm, nắm, sử dụng, điều khiển chính quyền nhà nước như một công cụ trong tay Đảng mà quên rằng các cơ quan nhà nước - trong bản chất đích thực hiến định - được nhân dân ủy quyền thay mặt nhân dân quản lý xã hội, có trách nhiệm phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân, thậm chí cho rằng, cấp ủy đảng có thể và cần can thiệp trực tiếp, cụ thể cả những công việc thuộc chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước; cố gắng làm sao để bất cứ việc lớn nhỏ nào của cơ quan chính quyền cũng phải có ý kiến của cấp ủy, thường trực cấp ủy đảng - tình trạng Đảng bao biện, làm thay cơ quan nhà nước.
Thứ hai, hiểu khái niệm Đảng cầm quyền theo loại ý kiến thứ hai nêu trên là hợp lý. Khái niệm Đảng cầm quyền có nội hàm riêng. Khái niệm đảng cầm quyền vốn được sử dụng đầu tiên ở các nước phương Tây có chế độ đa đảng, dùng để chỉ đảng giành được đa số ghế trong nghị viện. Tuy nhiên, khái niệm này hiện nay cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, vì ở một số nước có thể chế quốc hội lưỡng viện, có thời kỳ đảng này chiếm đa số ở hạ viện, nhưng đảng khác lại chiếm đa số ở thượng viện; ở những nước có thể chế cộng hòa tổng thống, có thời kỳ đảng này chiếm đa số trong quốc hội, nhưng tổng thống lại là người thuộc đảng khác. Ở nước ta, khái niệm này có hai nghĩa: nói rõ tư cách của Đảng là Đảng cầm quyền, hơn nữa ở nước ta là Đảng duy nhất cầm quyền; chỉ giai đoạn mới trong sự phát triển của Đảng - Đảng đã có chính quyền. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011)và một số văn kiện của Đảng khẳng định: Đảng ta (Đảng Cộng sản Việt Nam) là đảng cầm quyền.
ẢNH MINH HỌA |
Thứ ba, khái niệm Đảng lãnh đạo có ý nghĩa rộng lớn và sâu sắc. Khái niệm này không chỉ biểu đạt vai trò của Đảng - Đảng là lực lượng lãnh đạo, mà còn nói rõ nội dung, tính chất hoạt động chủ yếu của Đảng - đó là hoạt động lãnh đạo. Nó phân biệt rõ: Đảng lãnh đạo chứ Đảng không quản lý; Đảng là tổ chức lãnh đạo chứ không phải là cơ quan quản lý; Đảng không có quyền lực nhà nước; Đảng không làm thay công việc quản lý của cơ quan nhà nước; Đảng chỉ thực hiện việc quản lý tổ chức đảng và đảng viên trong nội bộ Đảng theo Điều lệ Đảng. Khái niệm Đảng lãnh đạo cũng không giới hạn ở việc Đảng chỉ lãnh đạo Nhà nước, mà Đảng lãnh đạo đối với tất cả các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn xã hội; Đảng không chỉ lãnh đạo chính trị, mà lãnh đạo cả tư tưởng, tổ chức, cán bộ. Dĩ nhiên, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội về các quyết định của mình.
Trong điều kiện nước ta hiện nay, hai khái niệm Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền có mối liên hệ mật thiết với nhau: cả hai đều đề cập một chủ thể là Đảng, hơn nữa Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và cả xã hội. Nhưng, đây là hai khái niệm khác nhau, mỗi khái niệm có nội hàm riêng. Để phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, nếu cần nói đầy đủ, nên diễn đạt đúng như trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội” xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; nếu không cần nói đầy đủ vị thế, tư cách và tính chất của Đảng ta hiện nay, thì chỉ cần dùng khái niệm Đảng lãnh đạo. Hoàn toàn không ngại việc dùng khái niệm Đảng lãnh đạo sẽ chưa lột tả được sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Khái niệm Đảng lãnh đạo tuyệt nhiên không phủ nhận, hạn chế việc Đảng lãnh đạo Nhà nước, trái lại tự nó đã chứa đựng việc lãnh đạo Nhà nước là sứ mệnh chính của Đảng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét